Văn hóa DN gắn liền với thương hiệu, chất lượng sản phẩm, nhân cách của mỗi một nhân viên. Tôi luôn tự hào về nguồn nhân lực của mình, tạo dựng nên thương hiệu BMC.

Không chỉ trong giờ làm việc, mà đi đâu họ cũng có thể mặc đồng phục có thương hiệu BMC. Nếu một thương hiệu không ra gì thì ai dám mặc nó ra đường?

Ô. Nguyễn Văn Ngọc -
Tổng Giám Đốc BMC
Hẹn hò năm lần bảy lượt… cuối cùng tôi cũng đã có một giờ đồng hồ trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Ngọc – TGĐ BMC. Ông mở đầu câu chuyện bằng câu: “Tôi không thích nói nhiều, im lặng mà làm…”.
Tôi biết, ông là người không thích nói về mình, không thích phô trương thành tích. Cột mốc mười năm chống chèo, vật lộn… với một DN nợ nần chồng chất, tưởng chừng xóa sổ… Đến bây giờ nói đến lĩnh vực xây dựng, BMC là thương hiệu được nhiều nhà thầu chỉ định, không cần tham gia đấu thầu. Trong lĩnh vực đầu tư BĐS cũng vậy, BMC cũng đang nổi lên bởi các dự án căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và khách sạn, nhà máy sản xuất nguyên vật liệu, chế biến thực phẩm… đã và đang có mặt  khắp các tỉnh thành trên cả nước. Điều gì giúp BMC gặt hái được những thành quả ngoạn mục ấy ? Đó chính là con người, ông Ngọc khẳng định: “Tất cả dù có hiện đại, văn minh… đều do con người tạo nên. Lý thuyết có hay đến mấy, nếu con người không biết vận dụng vào thực tế thì cũng bằng không”.

- Nguồn nhân lực cao cấp thường hay biến động, nhưng ở BMC vẫn nuôi dưỡng được nguồn nhân lực này, phải chăng đó là hiệu quả từ triết lý của ông ?

Để có được một đội ngũ nhân sự phù hợp với môi trường kinh doanh  không dễ dàng “Vừa có tài, vừa có tâm… khó đấy”. Một người giỏi không phải cái gì cũng biết, vấn đề là biết sử dụng cộng sự của mình và biết phát huy chất xám của họ. Người ta vẫn thường nói “Ba ông thợ da, thành Gia Cát Lượng” vì thế, BMC đã quán triệt triết lý này trong thuật dùng người.

- Gần mười năm lãnh đạo, điều gì làm ông tâm đắc nhất trong triết lý này…?

Từ kinh nghiệm bản thân, bản lĩnh doanh nhân không thể có ngay được khi bước vào môi trường kinh doanh, đó là cả một quá trình tích cóp “cho và nhận”. Làm lãnh đạo phải sống thật với anh em, ngoài chữ tâm, người lãnh đạo phải có tầm, anh em mới phục và không ai có thể qua mặt được mình. Tôi không nhớ rõ vĩ nhân nào đã nói“Dùng lòng thương để trị người, dùng lòng ngay thẳng để trị ta…” và một điều tôi không thể phủ nhận người lãnh đạo dù có giỏi đến đâu cũng không làm được gì hết cả, nếu bên cạnh mình không có một đội ngũ cộng sự tốt. Có lẽ chính vì thế, nên tập thể BMC chúng tôi trên dưới đồng lòng, sống và làm việc thân tình dưới “mái nhà BMC”.

- Nhưng tình cảm suông đâu có thu phục được nhân tài…?

“Nhà không ấm, xã hội làm sao yên được” chẳng có ai hô khẩu hiệu “Tôi làm việc hết mình mà không cần quyền lợi…” Tôi cho họ cái cần câu, bằng cách giao công việc cụ thể cho các đơn vị thành viên, trên cơ sở dựa vào năng lực để giao hiệu suất công việc, chế độ  tiền lương, lãi, thu hồi vốn… Khuyến khích các đơn vị cơ sở tự lập dự án đầu tư mới và sẵn sàng đầu tư nếu có dự án khả thi. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ để vừa củng cố hệ thống, vừa phát triển toàn diện. Điều này đã kích thích tính sáng tạo, chủ động cho các đơn vị thành viên, phát huy sở trường, góp phần phát triển của toàn Cty BMC.

Tuy nhiên không phải cái gì cũng cân đo, đông đếm bằng tiền, bằng công việc. Có những cái tiền không thể mua được, đó là sự chân tình của anh em chúng tôi, cùng tôi chia sẻ công việc trong những lúc khó khăn nhất. Nếu tôi không quá chủ quan, đến bây giờ tôi có thể tự hào, nếu một ngày nào đó, chẳng may tôi có gặp phải khó khăn… anh em không bỏ rơi tôi.

- Còn trong quan hệ làm ăn với đối tác ?

Ông cha ta thường nói “ở nhà cậy cha, ra đường cậy nhờ bạn bè”. BMC có nhiều dự án, nhiều công trình, phát triển được như ngày hôm nay, nếu không có bạn bè, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ. Vì thế tôi không ngại nói ra điều này: “Uống nước không uống cả cặn. Đồng quà, tấm bánh; có qua, có lại… cũng là chuyện thường tình”. Trong kinh doanh, công việc làm ăn với nhau như thế không phải là hối lộ. Đó là lộc tình, lộc nghĩa, là truyền thống của người  Á Đông rất đáng trân trọng.
- Thương trường là chiến trường, ông có nghĩ vậy không ?

Làm giàu không phải là chuyện xấu, nhưng chúng ta nên biết rằng mình muốn giàu là để mình có hạnh phúc. Nếu giàu mà không có hạnh phúc thì giàu làm gì. Hoặc có thể thành công nhưng cũng có thể trở thành nạn nhân của sự thành công của mình. Trong kinh doanh là cạnh tranh của các DN hướng tới mục tiêu  “tất cả cùng thắng, không có kẻ bại. Không ai cho phép cạnh tranh với động cơ loại trừ, tiêu diệt lẫn nhau”. Và ông cha ta cũng đã có câu “buôn có bạn, bán có phường”, một triết lí mềm dẻo, lấy sự kết nối làm sức mạnh; Sự nhân ái dựa trên một nền tảng đạo đức của cộng đồng. Đó là nét văn hóa đặc biệt về thương trường của ta, mà tôi nghĩ đó là cái gốc của đạo lí kinh doanh có căn cơ để bền lâu.

- Nếu được quyền ước, ông ước gì ?

Ước thì nhiều lắm, nhưng sống trên đời này chẳng có ai hoàn hảo. Nếu có gia đình hạnh phúc, có chỗ đứng vững chắc trong xã hội thì đó thực là thiên đường mà ai cũng mơ ước. Nhưng khi phải lựa chọn và sắp xếp thật hợp lý thật là khó… Làm sao có thể giữ thế cân bằng tất cả ? Dù là doanh nhân, hay không phải là doanh nhân, thì chúng ta cũng phải tự chính bản thân mình điều hành cuộc sống của mình, công việc của mình, và những gì xảy ra trong cuộc sống, vị trí đứng bền vững và quân bình cho gia đình và sự nghiệp.

- Ông có khao khát một cuộc sống đời thường ?

Nói thật, gần mười năm nhận chức TGĐ, tôi chưa một lần nghỉ ngơi đúng nghĩa. Nhưng con người mà ! Dù làm tới ông to, bà lớn đến đâu cũng“Sân, si, hỷ, nộ… vui, buồn, sầu bi…”. Bề ngòai nhìn có vẻ “oai” nhưng cuộc sống của tôi khá bình dân đấy. Đôi lúc tôi cũng thèm khát làm một anh nông dân lắm chứ ! Vắt chân chữ ngũ, phì phèo điếu thuốc lào, thả hồn theo mây gió… Nhưng đã vướng vào nghiệp kinh doanh làm sao thả nổi, bởi đằng sau tôi hàng ngàn lao động, còn gia đình của họ. Trong tôi chỉ còn lại niềm vui sau một ngày làm việc, cùng ngồi lại với anh em của mình, không phân biệt thứ cấp, nói cười thoải mái, uống với nhau vài ba ly rượu… Đây cũng là một trong những yếu tố để anh em chúng tôi sống gần nhau hơn, tinh thần trách nhiệm với công việc cao hơn.

- Phát triển đa ngành không phải DN nào cũng thành công, nhưng với  BMC đã thành công trong lãnh vực này, phải chăng ông có bí quyết riêng ?

Theo tôi, muốn phát triển đa ngành, phải gắn kết với nhiệm vụ kinh doanh chính của mình, nếu không sẽ thất bại ngay. “Đừng thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào”. Thấy người ta làm BĐS, mình cũng lao theo, thấy người ta làm siêu thị, mình cũng siêu thị… Ở BMC  mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh khi đã hội đủ các điều kiện, nền tảng cơ sở, cung cầu thị trường, tiềm năng khách hàng, và không xa rời mục tiêu kinh doanh chính của mình. (Vừa là nhà đầu tư, vừa là nhà xây dựng chắc chắn sẽ có lợi hơn nhiều:Vật liệu thừa được tận dụng, thiết bị thi công được khấu hao liên tục, nhân công của mình…). Hiện tại các tòa nhà căn hộ của BMC đều có trung tâm thương mại,  nhưng BMC không đứng ra tổ chức kinh doanh, mà  bắt tay với Sài Gòn Co.op để mở siêu thị. Ở lĩnh vực khách sạn cũng vậy, Khách sạn của BMC đầu tư, nhưng quản lý điều hành là nhân sự được tuyển dụng theo hệ thống quản lý của ngành khách sạn –du lịch. hợp tác, liên doanh, liên kết với các đối tác khác để vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mà lại giảm được rủi ro hoặc nhanh chóng đạt được mục tiêu hơn, đồng thời  làm tăng thêm giá trị thương hiệu.
- Xin cảm ơn ông!

Minh Hương thực hiện
Theo